Wednesday, 5 September 2012

Hoa mai trắng cùng nền văn hoá Việt

Mai trắng hợp với khí hậu Miền Bắc nước ta. Trong tiết đông giá lạnh, nhiều cây và các loài hoa úa tàn, nhưng hoa mai trắng vẫn tinh khôi bừng nở bên những lộc non mơn mởn.

hoa mai


Tùy theo vùng miền, quan điểm của người chơi mà sự lựa chọn cây, chọn hoa có đôi chút khác nhau. Chẳng hạn cùng là mùa hạ, nơi tâm linh chọn hoa sen, vùng nông thôn lại chuộng hoa hồng.

  “Xuân thiên mai nhụy phô thanh bạch
Hạ nhật hồng hoa đấu hảo kỳ
Cúc ngạo thu tình hương vạn hộc
Tùng lăng đông tuyết ngọc thiên chi”.
Mãn Giác Thiền Sư (1052-1096) là vị cao tăng thời Lý đã sáng tác một bài thơ nổi tiếng về quy luật sinh hóa của đất trời. Hai câu kết, Thiền Sư đã dùng hình tượng một nhành mai nhỏ thể hiện cái nhìn lạc quan, như một sự minh chứng cho sự sống là bất diệt.
“Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận.
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai”
(Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước một nhành mai).

hoa mai trang
Mai trắng tuy mảnh dẻ nhưng cứng cáp, hoa nhỏ nhưng đẹp thuần khiết, mùi thơm nhẹ nhàng, kín đáo. Người xưa lấy cái khí phách của mai ví như người quân tử. Các nhà nho gặp thời loạn lạc thường ví mình như cành hoa mai nở trong gió đông để giữ mình thanh sạch. Người cao tuổi chuộng cái già nua của lão mai, mong muốn tuổi già khỏe mạnh, trường thọ. Vóc dáng của mai còn được ví như người con gái quyền quý, khuê các.
Đại thi hào Nguyễn Du hai lần so ví mai trắng với vẻ đẹp của Thúy Kiều. Từ ngữ ngắn gọn mà ý đẹp, lời hay, lựa chọn hình ảnh vô cùng tinh tế.
Mai cốt cách tuyết tinh thần
Mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười.

hoa mai sapa

Đi chúc nhau ngày tết, ta bất chợt thấy mai trắng trong vườn nhà ai, thấy mai trắng khiêm nhường, thanh tú bên bàn trà, hoặc một khoảng lặng của phòng khách, ta sẽ có cảm nhận lối chơi độc đáo, tri thức và sâu lắng của chủ nhân, cũng là dịp để suy ngẫm quan điểm về nét đẹp của Nhất Chi Mai xưa và nay.